Master budget - Dự toán ngân sách là gì? Mối quan hệ giữa các dự toán bộ phận

Article ID: 1851
Last updated: 09 May, 2022

Master budget  - Dự toán ngân sách là gì ? Mối quan hệ giữa các dự toán bộ phận

Dự toán ngân sách (Master budgets) là dự kiến các nguồn lực kinh tế cần có, cách thức sử dụng các nguồn lực kinh tế để thực hiện những công việc hay một số mục tiêu nhất định được đặt ra trong khoảng thời gian, không gian nhất định nhưng được thể hiện dưới dạng tiền tệ, hướng đến xác định lượng tiền cần có, cần phải đảm bảo để thực hiện những dự kiến.

Trong doanh nghiệp, dự toán ngân sách thường hướng đến trọng tâm phát thảo dòng tiền cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu lợi nhuận trong kỳ dự toán.

Mục đích việc lập dự toán ngân sách

Dự toán cũng như dự toán ngân sách hướng đến đáp ứng thông tin cho hai mục đích cơ bản là hoạch định (planning) và kiểm soát (control).

Với mục đích cung cấp thông tin cho hoạch định, dự toán cung cấp một bảng phát thảo những vấn đề cần có, những cách thức tiến hành để đảm bảo công việc hay mục tiêu đặt ra trong một thời gian, không gian nhất định.

Với mục đích cung cấp thông tin cho kiểm soát, dự toán là cơ sở cho việc xem xét thành quả của những hoạt động hay quản lý, xem xét việc thực hiện các mục tiêu đặt ra như thế nào trong hoạt động hay trong quản lý.

Mối quan hệ giữa các dự toán bộ phận

Dự toán ngân sách toàn doanh nghiệp bao gồm hệ thống các dự toán sau đây:

Dự toán tiêu thụ sản phẩm.

Dự toán sản xuất.

Dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.

Dự toán chi phí nhân công trực tiếp.

Dự toán chi phí sản xuất chung.

Dự toán tồn kho thành phẩm cuối kỳ.

Dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Dự toán tiền.

Dự toán kết quả hoạt động kinh doanh.

Bảng cân đối kế toán dự toán.

Dự toán tiêu thụ sản phẩm là quan trọng nhất, nó chi phối toàn bộ các dự toán khác. Công việc đầu tiên của quá trình lập dự toán là lập dự toán tiêu thụ sản phẩm. Dự toán này cho thấy doanh thu dự kiến trong kỳ dự toán. Khi dự toán tiêu thụ sản phẩm được lập một cách cẩn thận và phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nó sẽ là chìa khóa cho toàn bộ quá trình lập dự toán.

Sau khi dự toán tiêu thụ sản phẩm được lập, nó quyết định khối lượng sản phẩm cần sản xuất để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ. Tiếp theo, dự toán sản xuất sẽ được lập làm cơ sở cho việc lập dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân, công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Các dự toán này sẽ tác động đến việc lập dự toán tiền.

Dự toán tiêu thụ sản phẩm cũng chi phối dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, dự toán kết quả hoạt động kinh doanh và các dự toán này cũng tác động đến dự toán tiền.

Dự toán tiền bị chi phối bởi dự toán tiêu thụ sản phẩm, vì việc tiêu thụ sản phẩm tạo ra dòng tiền để đáp ứng cho việc chi tiêu. Các dự toán về chi phí đặt ra nhu cầu về tiền trong kỳ, nó tác động đến dự toán tiền. Ngược lại, các dự toán đó lại chịu ảnh hưởng bởi dự toán tiền, bởi khả năng về lượng tiền hiện có đủ thỏa mãn cho các nhu cầu chi tiêu dự kiến.

Dự toán về vốn đầu tư cũng nằm trong dự toán ngân sách, nó dự tính chi tiêu để mua sắm tài sản, nhà xưởng, thiết bị. Để tránh đi vào chi nhiên, việc mua sắm tài sản cố định trong năm tới sẽ ảnh hưởng đến dự toán tiền, vì vậy nó cũng được đề cập để tính nhu cầu chi tiêu trong năm tới trong dự toán tiền.

Kết quả cuối cùng sau một thời kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh là tình hình lợi nhuận, tình hình tài sản được phản ánh trên dự toán kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán dự toán.

Mối quan hệ giữa các dự toán bộ phận trong hệ thống dự toán ngân sách

Giáo trình Kế toán quản trị - Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Đánh giá bài::  
Báo lỗi bài viết
Article ID: 1851
Last updated: 09 May, 2022
Bản cập nhật: 1
Lượt xem: 1203
Bình luận: 0
Ngày đăng: 10 Dec, 2021 by Nguyễn Chinh - Công ty Tâm An
Ngày cập nhật: 09 May, 2022 by Nguyễn Chinh - Công ty Tâm An
Tags

Nên xem