Article ID: 1356
Last updated: 30 Jan, 2018
Câu 1: Công ty chuyển đổi thành công ty Cổ phần có tài sản cố định được đánh giá lại theo giá trị khác với giá trị cũ. Xin hỏi các tài sản này được trích khấu hao theo nguyên giá nào? Công ty tôi mới chuyển đổi thành công ty Cổ phần có một số tài sản đang sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh được đánh giá lại theo giá trị khác với giá trị cũ. Xin hỏi các tài sản này được trích khấu hao theo nguyên giá nào? Trả lời: Theo quy định tại khoản 2.2, Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì: Tài sản cố định góp vốn, tài sản cố định điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản cố định này được tính khấu hao vào chi phí được trừ theo nguyên giá đánh giá lại. Đối với loại tài sản khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định có góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình và tài sản này có đánh giá lại theo quy định thì doanh nghiệp nhận tài sản này được tính vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí được trừ theo giá đánh giá lại. Câu 2: Công ty tôi đã giải thể, trong năm có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì tổ chức trả thu nhập có phải thực hiện quyết toán thuế TNCN không? Xin hỏi Công ty tôi đã làm thủ tục giải thể chấm dứt hoạt động, trong năm có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân thì tổ chức trả thu nhập có phải thực hiện quyết toán thuế TNCN không? Trả lời: Theo khoản 1, Điều 21 Thông tư số 92 năm 2015 của Bộ Tài chính thì đối với trường hợp tổ chức trả thu nhập giải thể, chấm dứt hoạt động có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân thì tổ chức trả thu nhập không phải thực hiện quyết toán thuế Thu nhập cá nhân, mà chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế danh sách cá nhân đã chi trả thu nhập trong năm chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc giải thể, chấm dứt hoạt động. Câu 3: Xin hỏi năm 2017, Công ty tôi có chi 01 khoản chi phí tư vấn thuế TNCN cho người LĐ là người nước ngoài có được chấp nhận vào chi phí được trừ không? Tôi được biết, theo quy định của văn bản về thuế TNDN thì các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Vậy, xin hỏi năm 2017 Công ty tôi có chi 1 khoản chi phí tư vấn thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động là người nước ngoài có được chấp nhận vào chi phí được trừ không? Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 thì khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp. Đối với khoản chi phí tư vấn thuế Thu nhập cá nhân cho người lao động là người nước ngoài, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động do đó không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp. Câu 4: Xin hỏi trong thời gian sửa chữa dây truyền này có được trích khấu hao để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong năm không? Công ty tôi có một dây truyền lắp ráp đồ điện tử, do dây truyền đã sử dụng nhiều năm chưa được bảo dưỡng. Năm 2017, để đảm bảo sản xuất các mặt hàng đạt chất lượng cao, công ty đã tạm dừng sản xuất 7 tháng để sửa chữa, bảo dưỡng dây truyền này. Xin hỏi trong thời gian sửa chữa dây truyền này có được trích khấu hao để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong năm không? Trả lời: Theo quy định tại khoản 2.2, Điều 4, Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao đó tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Như vậy, căn cứ quy định trên thì trong thời gian Công ty bạn tạm dừng sản xuất 7 tháng để sửa chữa, bảo dưỡng dây truyền sản xuất thì vẫn được trích khấu hao theo quy định. Câu 5: Công ty tôi dự kiến trả lương tháng 12/2017 cho người lao động vào tháng 1/2018. Xin hỏi khi thực hiện quyết toán thuế TNCN công ty tôi phải kê khai như thế nào? Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111 năm 2013 của Bộ Tài chính thì Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động; tổ chức trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập. Theo quy định trên thì trường hợp khoản tiền lương tháng 12/2017 của người lao động được Công ty thanh toán trong tháng 1/2018 thì khoản thu nhập đó thực tế cá nhân chưa nhận trong năm 2017 nên chưa tính vào là thu nhập chịu thuế của kỳ quyết toán năm 2017 mà được tính vào thu nhâp chịu thuế của năm 2018. Câu 6: Anh trai tôi được bác sỹ chuẩn đoán bị bệnh không thể lao động. Vậy tôi muốn hỏi anh trai tôi có được coi là người phụ thuộc của tôi để khai giảm trừ gia cảnh không? Tôi có một người anh trai đang độ tuổi lao động. Đầu năm 2017 anh trai tôi được bác sỹ chuẩn đoán bị suy nhược thần kinh, mờ mắt sau biến chứng sốt xuất huyết và đã nghỉ việc 1 năm nay để chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay sức khoẻ đã đỡ nhưng anh tôi không đi làm được nữa. Anh trai tôi không có gia đình nên tôi phải là người nuôi dưỡng, Vậy tôi muốn hỏi anh trai tôi có được coi là người phụ thuộc của tôi để khai giảm trừ gia cảnh không? Trả lời: Căn cứ vào khoản 1, Điều 9 Thông tư 111 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuôc đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Bị khuyết tật, không có khả năng lao động; Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quan tháng trong năm trừ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng. Người khuyết tật, không có khả năng lao động là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,… Căn cứ vào quy định nêu trên và nội dung bạn hỏi thì trương hợp anh trai bạn đang trong độ tuổi lao động bị suy nhược thần kinh, mờ mắt sau biến chứng sốt xuất huyết nếu có giấy xác nhận của cơ sở y tế là bênh hiểm nghèo theo Danh mục bệnh hiểm nghèo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì được coi là người phụ thuộc và được giảm trừ gia cảnh. Câu 7: Khi Công ty trả tiền cho MC, ca sĩ, cộng tác viên bên ngoài và không ký hợp đồng lao động vì thường theo vụ việc và mức chi thấp thì có phải khấu trừ lại thuế TNCN và trả nhiều lần cho họ không? Công ty tôi là công ty truyền thông nên thường tổ chức các chương trình sự kiện cho khách hàng. Khi đó, công ty tôi hay thuê MC, ca sĩ, cộng tác viên bên ngoài và không ký hợp đồng lao động vì thường theo vụ việc và mức chi thấp, thường mỗi lần chi trả dưới 2 triệu đồng. Vậy khi công ty trả tiền cho những người này thì có phải khấu trừ lại thuế TNCN của họ không? Và trong tháng có được trả nhiều lần hay không? Trả lời: Tại Điều 25 Thông tư số 111 năm 2013 của Bộ Tài chính về thuế quy định: Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu đồng/1lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. Trường hợp của công ty bạn thì mỗi lần chi trả dưới 2 triệu thì không phải khấu trừ thuế TNCN và không khống chế số lần chi trả trong tháng.
Câu 8: Quyết toán thuế TNCN Trong năm 2017 tôi là sinh viên mới ra trường và bắt đầu đi làm từ tháng 7/2017, trước đó tôi không có khoản thu nhập gì khác. Thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Hàng tháng Công ty vẫn khấu trừ tiền thuế TNCN của tôi. Cuối năm tôi có ủy quyền cho Công ty quyết toán thay, Tôi muốn hỏi 2 vấn đề như sau:
Trả lời: Đối với vấn đề thứ nhất bạn hỏi, chúng tôi xin được trả lời như sau: Theo quy định tại mục 1 Điều 9 Thông tư 111 năm 2013 của Bộ Tài chính thì mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng tức là 108 triệu đồng/năm. Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Căn cứ theo quy định nêu trên, trong năm bạn mới giảm trừ cho các tháng có thu nhập thì khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân bạn được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng. Đối với vấn đề thứ hai bạn hỏi, chúng tôi xin được giải đáp như sau: Tại điều 28 Thông tư 111 năm 2013 của Bộ Tài chính có quy định: Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân. Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả. Như vậy, khi bạn uỷ quyền cho công ty quyết toán thuế thay thì việc hoàn thuế của bạn cũng được công ty thực hiện. Câu 9: Xin hỏi, khoản chi hỗ trợ cho các đoàn viên thanh niên có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp không? Công ty tôi tổ chức Đại Hội Đoàn cho các đoàn viên thanh niên của Công ty và có chi một khoản tiền để hỗ trợ cho buổi đại hội đoàn này. Xin hỏi, khoản chi hỗ trợ này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp không? Trả lời: Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì các khoản thực chi để hỗ trợ cho tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp. Câu 10: Phần góp vốn mới bỏ ra để mua lại phần vốn cũ cao hơn giá trị phần vốn được ghi trên sổ sách là 500 triệu đồng. Xin hỏi giá trị chênh lệch này có phải tính thuế TNDN không? Công ty tôi có tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới do một số thành viên bán lại phần vốn góp, số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra để mua lại phần vốn đó cao hơn giá trị phần vốn được ghi trên sổ sách là 500 triệu đồng. Xin hỏi giá trị chênh lệch này có phải tính thuế TNDN không? Trả lời: Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính thì: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp thì khoản chênh lệch cao hơn này nếu được xác định là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận vốn góp. Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được chia cho các thành viên góp vốn cũ thì khoản chênh lệch này là thu nhập của các thành viên góp vốn cũ. Câu 11: Xin hỏi khoản chi đào tạo nghề mới cho chị em có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không? Công ty tôi là đơn vị may gia công xuất khẩu các sản phẩm may mặc cho nước ngoài nên sử dụng đến hơn 95% là lao động nữ. Thời gian gần đây, công ty chưa ký được hợp đồng với đối tác do đó dư thừa lao động. Công ty dự kiến mở thêm dây chuyền dệt thảm và cử một số chị em công nhân đi đào tạo về nghề mới này. Xin hỏi khoản chi đào tạo nghề mới này cho chị em có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không? Trả lời: Tại Điều 4 Thông tư số 96 năm 2015 của Bộ Tài chính có quy định các khoản chi thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ bao gồm: Chi cho công tác đào tạo lại nghề cho lao động nữ trong trường hợp nghề cũ không còn phù hợp phải chuyển đổi sang nghề khác theo quy hoạch phát triển của doanh nghiệp. Như vậy, khoản chi của Công ty bạn nếu là đào tạo nghề cho lao động nữ để phát triển thêm ngành nghề mới cho Công ty thì được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trích từ mục Hỏi đáp về Thuế trên trang Tổng cục thuế.
Đánh giá bài::
Báo lỗi bài viết
Article ID: 1356
Last updated: 30 Jan, 2018
Bản cập nhật: 1
Lượt xem: 5326
Bình luận: 0
Ngày đăng: 30 Jan, 2018 by
Nguyen Loan - Công ty Webketoan
Ngày cập nhật: 30 Jan, 2018 by
Nguyen Loan - Công ty Webketoan
Nên xem
|